Hiệu ứng Troxler, được đặt theo tên nhà vật lý học người Thụy Sĩ Ignaz Paul Vital Troxler – người đầu tiên mô tả hiện tượng này, là một hiện tượng thị giác ảnh hưởng đến cảm nhận của mắt người về màu sắc. Khi mắt người nhìn chăm chú vào những hình ảnh có hiệu ứng này, màu sắc trên hình ảnh đó sẽ dần mờ đi và biến mất. Ví dụ, bạn hãy tập trung nhìn vào dấu + trên bức ảnh động sau:
Các chấm tròn màu hồng/tím ở xung quanh dấu + sẽ dần dần mờ đi và biến mất, và chấm tròn vốn dĩ màu xám (trùng với màu nền) lại dần rõ hơn và có màu xanh lá nhạt. Nếu bạn nhìn lâu rồi sau đó chuyển mắt sang nhìn một bề mặt màu trắng, bạn có thể sẽ thấy một vòng các chấm màu xanh lá hiện ra.
Hoặc các bạn có thể thử nghiệm với hình ảnh sau. Nếu nhì lâu vào dấu + ở giữa, màu sắc của bức tranh sẽ mờ dần rồi cuối cùng trở thành một bức tranh với toàn màu xám:
Tương tự như thế, màu sắc trong bức ảnh này sẽ dần biến mất khi bạn tập trung nhìn vào dấu + ở giữa:
Hiện tượng màu sắc mờ nhạt rần rồi biến mất này hiện vẫn chưa được giải thích đầy đủ, nhưng các nhà khoa học tin rằng nó có liên quan tới cách mà bộ não của con người nhận thức về thị giác. Khi nhìn quá lâu vào một hình ảnh nào đó có độ sáng cao, các tế bào thị giác trong mắt của chúng ta sẽ bị “cháy” tạm thời, nghĩa là chúng vẫn tiếp tục gửi thông tin về hình ảnh cũ trong khi mắt đã chuyển sang hình ảnh mới, và chúng ta thường sẽ nhìn thấy các “dư ảnh” mờ nhạt. Bạn có thể thử nghiệm bằng cách nhìn chăm chú vào bóng đèn trên trần nhà khoảng 5 giây rồi chuyển nhanh sang nhìn bức tường trống, bạn sẽ thấy dư ảnh của bóng đèn hiện lên trên tường. Não bộ của con người đã được “rèn luyện” để loại bỏ các dư ảnh đó, nhằm tránh sự sai lệch trong việc xử lý thông tin thị giác. Những hình ảnh có hiệu ứng Troxler đều có các đặc điểm tương tự như các dư ảnh mà mắt thường nhìn thấy, do đó não bộ đã xử lý chúng giống như xử lý các dư ảnh, “bỏ qua” chúng và sử dụng các hình ảnh ở xung quanh để bù đắp vào chỗ trống, khiến cho màu sắc dần biến mất và bị thay thế bởi màu nền xám.