Loài bọ thoát nạn bằng cách đi cửa sau

Trong một câu chuyện về động vật săn mồi quen thuộc, thợ săn mồi sẽ rình mò, tấn công, cuối cùng là nuốt chửng con mồi. Và thế là hết. Nhưng loài bọ nước Regimbartia attenuata sẽ lên tiếng, “Không nhé. Đừng hòng nhé”. Sau khi bị ếch nuốt chửng, loài côn trùng nhỏ bé này có thể chui xuống ruột và thoát ra qua cửa sau. Hơi bẩn một chút, nhưng chắc chắn là vẫn sống.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7/2020 trên tạp chí Current Biology, quá trình di chuyển của bọ qua đường tiêu hóa có thể chỉ kéo dài trong vòng sáu phút, rất ngắn so với thời gian ếch cần để tiêu hóa hoàn toàn con mồi là khoảng hơn hai ngày.

Bọ nước Regimbartia attenuata

Shinji Sugiura, một nhà sinh vật học tại Đại học Kobe, Nhật Bản, trong nhiều năm đã lập danh mục những hành vi kỳ lạ của côn trùng khi đối diện với những kẻ săn mồi của chúng. Chẳng hạn, một số con bọ sẽ chọc để kẻ săn mồi phải nôn chúng ra khi bị nuốt chửng.

“Hình thái và hành vi của côn trùng luôn truyền cảm hứng cho tôi”, Tiến sĩ Sugiura cho biết. Ông đặc biệt quan tâm đến hành vi phòng thủ chống lại những kẻ săn mồi của côn trùng.

Sau khi nhận thấy bọ nước Regimbartia và ếch thường xuyên xuất hiện cùng nhau trên những cánh đồng lúa ở Nhật Bản, tiến sĩ Sugiura đã cho con ếch ăn một chú bọ nước với hi vọng loài côn trùng này sẽ khiến con ếch phải nhổ ra. Kết quả nằm ngoài sự mong đợi khi mà chú bọ nước chui ra từ phía đầu còn lại của hệ tiêu hóa. Toàn cảnh phát hiện độc đáo này đã được tiến sĩ Sugiura quay lại.

Háo hức muốn khẳng định phát hiện của mình, Tiến sĩ Sugiura đã lặp lại các thí nghiệm với năm loài ếch khác nhau. Tới 90% số bọ mà chúng nuốt đã sống sót chui ra, lâu nhất là sau 6 giờ kể từ khi bị nuốt.

Thông thường các con bọ bị ếch nuốt sẽ chết và bị tiêu hóa sau vài ngày. Những con bọ Regimbartia không may bị chết cũng mất nhiều ngày để được thải ra ngoài. Điều này cho thấy những con còn sống đã chủ động tìm cách để chui ra. Vì không thể quan sát được bên trong hệ thống tiêu hóa của ếch nên Tiến sĩ Sugiura cũng không thể nói chắc chiến lược thoát thân của chúng là gì. Nhưng khi ông dùng sáp cố định chân của vài con bọ thì chúng đều bị chết trong đường tiêu hóa.

Loài ếch Pelophylax nigromaculatus.

Tiến sĩ Sugiura cho rằng bọ Regimbartia có thể dùng chân để bơi qua ruột của loài ếch với chiều dài khoảng hơn chục centimet – một hành trình gian khổ đối với một con bọ có kích thước chỉ vài milimet. Khi đến cuối đường, chúng có thể kích thích mở cơ vòng đệm kiểm soát hậu môn ếch để tự đào thải ra ngoài.

Vì ếch thường nuốt trọn con mồi nên dịch tiêu hóa của chúng phải hoạt động mạnh để phân giải thức ăn. Nhưng những con bọ nhỏ bé này hoàn toàn không hề suy suyển. Nhiều tháng sau, một số vẫn sống bình thường như chưa hề có cuộc chia ly.

Những con ếch cũng không bị ảnh hưởng gì sau khi nuốt phải những con bọ Regimbartia. “Tuy nhiên”, tiến sĩ Sugiura nói, “Tôi sẽ không ăn giống bọ này nếu tôi là một con ếch.”