Chàng vận động viên láu cá

Bộ môn nhảy sào là một trong những môn thể thao kỳ lạ nhất của con người, khi nó được xếp vào nhóm các môn thể thao “nhảy” cùng với nhảy cao, nhảy xa và nhảy ba bước, nhưng lại không thực sự cần tới việc nhảy, mà thay vào đó người ta dùng một cây sào có độ đàn hồi lớn để đẩy bật người qua xà ngang. Nguồn gốc của môn thể thao này cũng khác thường không kém: ở Anh và Hà Lan trước kia có rất nhiều đầm lầy, người ta đã đào rất nhiều hào thông ra sông để rút cạn chúng và cải tạo lấy đất sinh hoạt. Những đường hào chằng chịt thông nhau khiến cho việc di chuyển gặp nhiều bất tiện vì không phải chỗ nào cũng có cầu để vượt, do đó, để tránh phải đi đường vòng, người ta thường dự trữ sẵn trong nhà một vài cây sào dài để nhảy qua hào mỗi khi có việc phải đi tới khu vực khác. Khi được đưa vào thi đấu trong các lễ hội truyền thống, nhảy sào là môn thi về khả năng nhảy xa, chứ không phải nhảy cao. Tới khoảng thế kỷ 19, nhảy sào mới trở thành môn thi đấu về độ cao trong các cuộc thi thể thao chuyên nghiệp.

Một người nông dân sử dụng sào để vượt hào nước.
Cuộc thi nhảy sào tính khoảng cách (fierljeppen) vẫn được tổ chức thường niên tại Hà Lan.

Vận động viên nhảy sào nổi tiếng nhất mọi thời đại có lẽ là Sergey Bubka, một vận động viên Ukraina thi đấu cho đội tuyển Liên Xô từ năm 1981 cho tới khi tan rã vào năm 1991, và sau đó là đội tuyển Ukraina cho tới năm 2001. Ông đã giành giải vô định thế giới môn nhảy sào 6 lần liên tiếp trong các năm 1983, 1987, 1991, 1993, 1995 và 1997; giành 1 huy chương vàng Olympic; là vận động viên đầu tiên nhảy qua được các mốc 6.00m và 6.10m; nắm giữ kỷ lục thế giới trong gần 21 năm. Kỷ lục về chiều cao mà Bubka nắm giữ là 6.14m (ngoài trời) và 6.15m (trong nhà), được thiết lập trong các năm 1994 và 1993. Kỷ lục của Bubka chỉ bị phá vỡ bởi Renaud Lavillenie của Pháp, khi anh này vượt qua mốc 6.16m tại giải Pole Vault Stars 2014. Cho tới thời điểm đó, không có một vận động viên nào khác trên thế giới vượt được qua mức 6.07m, và chỉ có 100 vận động viên từ vượt được qua mức 6.00m.

Sergey Bubka trên đường chạy đà (1991).

Điểm láu cá của Bubka là cách mà ông đặt mục tiêu khi thi đấu. Vào thời Liên Xô, nhà nước có phần thưởng đặc biệt dành cho các vận động viên phá kỷ lục thế giới. khi Liên Xô tan rã, Bubka ký hợp đồng quảng cáo với Nike và được hãng này tài trợ. Nike cũng có phần thưởng dành cho kỷ lục thế giới lên tới 40000-100000 đô la. Và thế là Sergey Bubka đã tự phá kỷ lục thế giới của chính mình 35 lần. BA MƯƠI LĂM lần, trong 10 năm. Mỗi lần Bubka chỉ nhảy cao hơn kỷ lục cũ một hoặc vài centimet. Điều này đã cho phép Bubka bỏ túi kha khá tiền thưởng, và trở thành người nổi tiếng trong các sự kiện thể thao. Hiện nay ông là Phó Chủ tịch cao cấp của Liên đoàn Điền kinh Thế giới, và Chủ tịch hội đồng Olympic nhà nước Ukraina.

Tượng đài Sergey Bubka tại thành phố Donetsk.