Bức ảnh phơi sáng lâu nhất thế giới

Năm 2012, một học viên Thạc sĩ Mỹ thuật tại Đại học Hertfordshire đã gắn một tấm phim vào trong lon bia và tạo ra một chiếc máy ảnh lỗ kim đơn giản. Sau đó, cô đặt chiếc hộp lên một ống kính thiên văn tại Đài quan sát Bayfordbury của trường đại học và cuối cùng quên mất rằng mình đã làm như thế.

Định nghĩa: Máy ảnh lỗ kim

Máy ảnh lỗ kim (pinhole camera) là thiết bị thô sơ và đơn giản nhất trong kỹ thuật nhiếp ảnh. Máy ảnh loại này chỉ bao gồm một buồng tối, một lỗ nhỏ được đục trên tường, và một tấm phim nhạy sáng được đặt ở phía đối diện lỗ. Khi tia sáng chiếu qua lỗ kim, hình ảnh sẽ bị đảo ngược. Chất lượng của máy ảnh lỗ kim thường không tốt, do trong kết cấu không có các bộ phận điều chỉnh ánh sáng phức tạp.

Hình minh họa cơ chế hoạt động của máy ảnh lỗ kim.

Tuần vừa rồi, “máy ảnh” của cô vừa được phát hiện – và nó có thể là bức ảnh có độ phơi sáng lâu nhất từng được chụp.

Nhiếp ảnh gia Regina Valkenborgh, hiện là kỹ thuật viên nhiếp ảnh tại Đại học Barnet và Southgate, cho biết: “Tôi đã thử kỹ thuật này vài lần tại Đài quan sát trước đây, nhưng các bức ảnh thường bị hỏng do hơi ẩm và phim bị cuộn lại. Tôi chưa từng nghĩ tới việc chụp độ phơi sáng trong khoảng thời gian dài đến vậy, và thật ngạc nhiên, nó đã không bị hỏng.”

Bức ảnh cho thấy hành trình của Mặt Trời trên bầu trời trong suốt 8 năm: 2953 vòng cung ánh sáng theo đường đi từ khi mọc đến khi lặn. Một phần của mái vòm của kính thiên văn cũng có thể nhìn thấy ở bên trái của bức ảnh. Ở bên phải là một giàn kim loại chống đỡ đài quan sát, được xây dựng trong thời gian máy ảnh đang phơi sáng.

Bức ảnh lấy ra được từ lon bia của Valkenborgh.

Trước đây, bức ảnh phơi sáng lâu nhất có thời gian bốn năm tám tháng, do nghệ sĩ người Đức Michael Wesely chụp. Wesely chuyên chụp những bức ảnh phơi sáng lâu về nhiều cảnh khác nhau, chẳng hạn như việc cải tạo Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MOMA) ở Thành phố New York.

Chụp ảnh phơi sáng lâu yêu cầu khẩu độ rất nhỏ để phim không tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng. Máy ảnh lon bia là một loại máy ảnh lỗ kim, một thiết bị nhiếp ảnh rất đơn giản không có bất kỳ ống kính nào. Ánh sáng đi qua lỗ duy nhất trong máy ảnh – bé bằng đầu kim – và rọi vào phim cảm quang bên trong. Điều này tạo ra hình ảnh đảo ngược của bất kỳ thứ gì máy ảnh “nhìn thấy”. Do thời gian phơi sáng lâu, chỉ những vật thể chuyển động chậm hoặc cố định mới xuất hiện trong ảnh thu được; các đối tượng chuyển động nhanh sẽ không kịp lưu lại ảnh hoặc sẽ dần bị nhòe và biến mất.

Regina Valkenborgh và chiếc “máy ảnh” làm từ lon bia của mình.

Máy ảnh của Valkenborgh được phát hiện bởi David Campbell, kỹ thuật viên trưởng của Đài thiên văn Bayfordbury, trong lúc dọn dẹp các thiết bị. Valkenborgh nói: “Thật là may mắn khi bức ảnh được giữ nguyên vẹn và được David lấy ra sau ngần ấy năm.”