Giấu vàng khỏi tay Đức Quốc Xã

Max von LaueJames Franck là hai nhà vật lý học người Đức nổi tiếng từng nhận giải Nobel. Laue là một người bài phát xít, và Franck là một người gốc Do Thái, vì thế khi Hitler lên nắm quyền, hai ông đã rời Đức ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên trước đó, họ cùng gửi huy chương Nobel của mình cho Niels Bohr, nhà vật lý học nổi tiếng người Đan Mạch giữ hộ. Mùa xuân năm 1940, phát xít Đức kéo vào Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, Niels Bohr cũng quyết định rời tổ quốc. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ông không thể mang theo hai tấm huy chương của Laue và Franck, vì nếu bị phát hiện ra tấm huy chương có tên của một nhà khoa học gốc Do Thái thì chắc chắn ông sẽ bị tử hình với luật Bài Do Thái của Hitler thời đó, chưa kể lúc đó, mang vàng ra khỏi biên giới Phát xít là một trọng tội.

Niels Bohr (trái), đứng cùng James Franck (giữa) và George de Hevesy (phải) tại Khoa Vật lý lý thuyết, đại học Copenhagen (chụp năm 1935).

Mang theo không được, để lại cũng không xong, cộng sự của Bohr ở phòng thí nghiệm của ông là George de Hevesy (cũng là một người Do Thái) bèn nghĩ ra một cách: hoà tan hai tấm huy chương vào nước cường toan (aqua regia – hỗn hợp dung dịch HNO3 và HCl). Tuy vàng là kim loại có độ trơ rất cao, nhưng hỗn hợp axit vẫn có thể hòa tan được. Sau đó ông đặt hai lọ dung dịch màu da cam đó vào một góc tủ và rời khỏi Đan Mạch. Quả nhiên lính phát xít kiểm tra phòng thí nghiệm và hoàn toàn không phát hiện ra hai lọ chất lỏng “đáng ngờ” kia.

Dung dịch cường toan chứa vàng hòa tan.

Năm 1950, khi trở lại phòng thí nghiệm cũ, Hevesy và Bohr tách lượng vàng ra khỏi dung dịch, sau đó trao cho quỹ Nobel để đúc lại hai tấm huy chương. Năm 1952, Max von Laue và James Franck đã được trao lại tấm huy chương của mình, đúc từ chính số vàng trước đây của hai ông.