Sự ra đời của karaoke

Chuyện xảy ra vào năm 1971 ở một quán bar nhỏ tại thành phố Kobe, Nhật Bản. Bấy giờ Daisuke Inoue là người chơi đàn tại đây, đã quá chán với việc phải phục vụ nhạc hết người này đến người khác nên đã nghĩ ra cách ghi âm lại nhạc nền của các bài hát và nếu có người yêu cầu thì anh chỉ việc ngồi đấy nhấn công tắc. Từ cách làm này, anh đã phát triển nó thành một cái máy chơi nhạc mà không cần đến ban nhạc và đặt tên là KARAOKE:

kara/空 (không) + ōkesutora/orchestra (dàn nhạc)

Daisuke và chiếc máy karaoke ông sáng chế

Daisuke đã không đăng ký sáng chế của mình, và do đó không được hưởng lợi trực tiếp từ việc phát minh ra một trào lưu mới. Thay vào đó ông cho thuê những chiếc máy mà mình sản xuất, đồng thời dấn thân vào lĩnh vực phát triển các dịch vụ liên quan đến karaoke. Daisuke cũng sáng lập nên tổ chức Hiệp hội Công nghiệp Karaoke Toàn Nhật Bản.

Ông vinh dự được trao giải thưởng Ig Nobel Hòa Bình năm 2004 vì thành tựu sáng chế ra máy hát karaoke, “một cách hoàn toàn mới để mọi người học cách bao dung lẫn nhau”. Trên bục nhận giải, Daisuke trình diễn bài hát I’d Like to Teach the World to Sing và nhận được một tràng pháo tay hoan hô “dài nhất từ trước đến nay” trong lịch sử của giải thưởng này. Sau khi Daisuke kết thúc bài hát, ba nhà khoa học đã từng đoạt giải Nobel là Dudley Herschbach (hóa học, 1986), Richard Roberts (y học, 1986), và William Lipscomb (hóa học, 1976) đã lên sân khấu hát karaoke bài Can’t Take My Eyes off You để chúc mừng ông. Cả khán phòng lúc đó đều cất vang lời hát của đoạn điệp khúc:

“You’re just too good to be true
Can’t take my eyes off of you”

Daisuke trên bục nhận giải thưởng Ig Nobel. Xung quanh là các nhà khoa học nổi tiếng đã từng đoạt giải Nobel “xịn” đang hát karaoke bài Can’t Take My Eyes Off You.

Daisuke cũng là một trong ba người có sức ảnh hưởng nhất Châu Á của thế kỷ 21 do tạp chí Times bình chọn.