Cây vông đồng (Hura crepitans), hay ngô đồng, mã đậu, ba đậu tây, là một loài cây bản địa ở Nam Mỹ, nhưng được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới để lấy bóng mát, trong đó nước ta trồng rất nhiều ở hai bên đường. Cây này có quả to, cứng với khoảng 15-20 mảnh hình múi nổi tròn, hạt của nó có hình mắt chim, phía trên phủ lớp lông. Đặc biệt là quả có thể phát nổ và đưa hạt trong quả văng xa ra xung quanh với vận tốc lên tới 70m/giây!
Dù trong hạt có 37% là chất dầu béo, hơn 25% protein, nhưng các nước ít khai thác, chủ yếu dùng làm phân bón do trong trong hạt có chất gây tẩy và độc không thể làm thức ăn cho gia súc. Tại Congo (châu Phi), hạt cây được dùng làm thuốc tẩy với liều hai đến ba hạt trong ngày, cao hơn có thể gây ngộ độc chết người.
Nhựa của cây vông đồng cũng có độc, nếu vô tình để bắn vào mắt có thể gây sưng đỏ. Người dân Java (Indonesia) thường sử dụng nhựa cây làm thuốc trừ sâu; còn người Brazil dùng nước sắc vỏ thân với liều 1-5 g chữa hủi, nước sắc này có tác dụng tẩy mạnh.
Các múi của quả cây vông đồng có một gai nhọn mọc ở một đầu, thường được trẻ em dùng để chơi chọi gà. Năm 2017, nhiều trường hợp học sinh tại tỉnh Nghệ An bị ngộ độc do ăn thử hạt của cây vông đồng trồng trong sân trường. Những tình huống tương tự khiến bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định yêu cầu các trường học loại bỏ tất cả các loại cây có độc trên địa bàn của trường quản lý.
Video thí nghiệm phát nổ quả vông đồng. Quả vông đồng phát nổ nhờ có lõi quả rất cứng, khi khô lõi này co lại giống như một lò xo được giữ bởi các múi quả còn dính nhau. Khi bị va đập hay rơi từ trên cây xuống, các múi tách nhau ra làm mất cân bằng lực, dẫn tới phát nổ.