Kính râm là một phụ kiện thời trang rất phổ biến trong xã hội hiện đại, nhưng chắc ít ai biết rằng những chiếc kính râm sơ khai đã tồn tại từ cả nghìn năm trước từ thời La Mã cổ đại. Hoàng đế Nero của La Mã (37-68 SCN) đã sử dụng những chiếc kính làm từ ngọc lục bảo được mài nhẵn khi xem những trận giác đấu đẫm máu. Người La Mã cổ đại tin rằng ngọc lục bảo có công dụng bảo vệ và thư giãn cho mắt, do đó những người giàu có thường đặt làm các loại kính đeo từ loại ngọc có màu xanh này. Những viên ngọc lục bảo lớn sẽ được cắt thành tấm phẳng rồi gắn vào giá đỡ có tay cầm để người sử dụng giữ ngang mặt.
Một loại kính râm sơ khai khác đã (và đang) được người Inuit sử dụng để bảo vệ mắt khỏi ảnh hưởng của ánh nắng tại vùng băng tuyết. Khi di chuyển trong khu vực có nhiều bề mặt trắng như ở vùng cực, lượng ánh sáng phản xạ từ môi trường vào mắt có thể gây nên hiện tượng mù tuyết do võng mạc bị “cháy nắng”. Loại kính có tên là iggaak này được đẽo từ gỗ hoặc răng nanh và xương hải mã, có dây đeo qua tai và rạch khe hở nhỏ để làm giảm lượng ánh sáng chiếu vào mắt. Mỗi người Inuit có một chiếc iggaak của riêng mình để đảm bảo khung kính ôm sát lấy các chi tiết khuôn mặt.
Kính râm chính hiệu đầu tiên được chế tạo bởi người Trung Hoa vào khoảng thế kỷ XII. Những chiếc kính râm này được chế tạo bằng cách lắp những mắt kính làm từ đá thạch anh màu khói để làm giảm độ chói của ánh nắng. Loại kính này không đủ trong suốt để có thể nhìn rõ nên ít được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng lại rất được các quan lại ưa chuộng: họ thường đeo kính râm để giấu ánh mắt và biểu cảm của mình trong các vụ xử án. Sau này, khi kính râm trở nên phổ biến hơn, thì nhiều người hành nghề bói toán cũng đeo kính để tăng thêm nét thần bí, hoặc đôi khi là để giả vờ bị mù hòng lừa những người nhẹ dạ cả tin.
Đến khoảng thế kỷ XVII, kính râm hiện đại mới chính thức xuất hiện. Với sự phát triển của kỹ thuật chế tạo thấu kính quang học, kính mắt trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng của giới học giả. Một nhà nghiên cứu nhãn khoa tên là James Ayscough tin rằng, thêm màu vào tròng kính có thể giúp cải thiện một số bệnh về mắt. Ông nhuộm các tròng kính với màu xanh dương và xanh lá để thử nghiệm. Kính nhuộm màu của ông được coi là tiền thân của kính râm sau này.
Năm 1913, nhà vật lý học William Crookes sáng tạo ra một loại thủy tinh pha thêm cerium, có khả năng chặn 100% lượng tia cực tím và 90% lượng tia hồng ngoại. Loại thủy tinh này bắt đầu được các bác sĩ nhãn khoa sử dụng để bảo vệ mắt bệnh nhân khỏi tia cực tím có hại. Đến khoảng những năm 1920, kính râm càng ngày càng phổ biến, đặc biệt được các ngôi sao điện ảnh ưa chuộng. Việc các ngôi sao xuất hiện với kính râm khiến cho nhu cầu mua kính tăng vọt, và tới năm 1937, ước tính đã có hơn 20 triệu cặp kính râm được bán chỉ riêng tại Mỹ. Tuy nhiên phần lớn người đeo kính râm không phải là để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng, mà chỉ đơn giản là vì nó hợp mốt.
Kính râm lại càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết khi một loạt các bộ phim với chủ đề điệp viên được sản xuất và công chiếu. Chiếc kính râm trở thành một phụ kiện thời trang không thể thiếu của bất kỳ tay điệp viên nào vì vẻ “ngầu” mà nó mang lại. Từ những hình tượng gạo cội như James Bond trong loạt phim 007, đến Ethan Hunt trong Nhiệm vụ Bất khả thi, hay đội quân điệp viên trong Ma Trận, tất cả đều góp phần đưa kính râm lên một tầm cao mới.
Ngày nay, thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc là thị trường sản xuất kính râm lớn nhất trên thế giới, mỗi năm xuất khẩu hơn 120 triệu cặp kính thành phẩm.