Lịch sử giày cao gót

Giày cao gót ngày nay có lẽ là một phụ kiện không thể thiếu trong tủ giày của các chị em phụ nữ. Trong thời đại bình đẳng giới, nhiều anh em thuộc cánh nam giới cũng bắt đầu đi giày cao gót để thể hiện phong cách bản thân, và thậm chí sáng tạo ra hẳn một môn nghệ thuật nhảy với giày cao gót. Tuy nhiên có lẽ ít ai biết được rằng, trong lịch sử, giày cao gót vốn dĩ là dành riêng cho cánh đàn ông, và cũng chỉ những người đàn ông giàu có mới đi giày cao gót.

1. Giày chiến trận

Vào khoảng thế kỷ thứ X, những người lính kỵ binh Ba Tư là những người đầu tiên phát hiện ra rằng những đôi giày có gót cao giúp chân họ giữ chắc được kiềng ngựa và giúp họ đứng vững để vừa cưỡi ngựa vừa bắn cung tên. Người Ba Tư gọi loại giày này là galesh, và sử dụng chúng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Galesh ngày nay là một phần trong bộ trang phục truyền thống của người dân Iran, hậu duệ của những kỵ sĩ Ba Tư hùng mạnh một thời. Cách sử dụng giày có gót cao để cưỡi ngựa đã được lưu truyền tới tận ngày nay với những đôi giày của các chàng cao bồi Mỹ.

Abbas, vua xứ Ba Tư. Giày của ông được gắn thêm đế cao để cưỡi ngựa.

2. Giày lội rác

Tiến vào thời Trung Cổ ở châu Âu, nơi các thành phố chật chội đông nghẹt người và rác rưởi cũng như nước thải tràn ngập ngõ phố, người ta dễ dàng nhìn thấy cả nam giới lẫn nữ giới đi lại trên những đôi giày đế cao gọi là patten. Những đôi giày này được ưa chuộng vì đường phố thời Trung Cổ rất bẩn thỉu và lầy lội, đi giày có đế cao sẽ giúp giữ sạch chân và quần áo, cũng như di chuyển dễ dàng hơn so với đi giày đế bệt. Trong những loại giày đế cao thì chopine là loại giày phổ biến nhất, được nữ giới châu Âu sử dụng từ suốt thế kỷ XV đến hết thế kỷ XVII, đặc biệt là ở Venice của Ý. Giày chopine có khi cao tới 70cm, nhưng thường có chiều cao trung bình khoảng 20cm. Đây là loại giày cao gót đầu tiên được sử dụng trong thời trang, và những người phụ nữ đi giày càng cao thì càng được coi là hợp mốt và càng nổi bật giữa đám đông.

Giày chopine

Ở châu Á, nhiều nước cũng có thiết kế giày cao gót của riêng mình. Ở Nhật Bản, geta là loại giày được đi bởi cả nam lẫn nữ giới. Geta có thiết kế rất đơn giản, chỉ bao gồm một mặt gỗ phẳng và một hoặc hai đế cao, và được đẽo liền khối từ một miếng gỗ. Chúng thường được sử dụng khi trời mưa để tránh bị ướt chân và không làm bùn đất bắn lên người như khi đi giày hoặc dép bệt. Dần dà các loại geta cầu kỳ hơn được chế tác và trở thành một nét thời trang của các kỹ nữ Nhật Bản, nhất là trong tầng lớp oiran – kỹ nữ cao cấp. Giày geta có nhiều loại, cụ thể là geta thường (~5cm), takai geta (~10cm), tengu geta (~10-20cm, một đế), ashida geta (đi mưa).

Một samirai đi geta

3. Đôi giày quyền lực

Đến thế kỷ XVII, giày cao gót ngày càng phổ biến đối với những kỵ sĩ Ba Tư. Vì chăm sóc ngựa thời đó rất tốn tiền, nên sở hữu ngựa là một biểu hiện của sự giàu có. Do đó, giày cao gót trở cũng thành trang phục thể hiện quyền lực và tài sản của những người có tiền trong xã hội Ba Tư.

Giày của kị binh Ba Tư vào đầu thế kỷ XVII

Vào cuối thế kỷ này, Shah (vua) Ba Tư đã cử nhiều phái đoàn kỵ binh đến Nga, Đức và Tây Ban Nha để tạo dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Trào lưu Ba Tư đã trở thành mốt thời bấy giờ và các quý tộc châu Âu nhanh chóng áp dụng thời trang giày cao gót của người lính Ba Tư để thể hiện sự dũng cảm và sức mạnh quân sự. Vào thời đó, phong cách thời trang nam giới ở châu Âu chú trọng phần lớn vào đôi chân: giới thượng lưu đi giày cao gót, tất bó sát và quần lửng phồng to nhằm phô bày cặp cẳng chân và bắp đùi của mình.

Vua Louis XIV

Người dẫn đầu xu hướng thời trang này không ai khác ngoài vua Louis XIV của Pháp, vị vua đã lãnh đạo một vương quốc yếu thế chống lại cả một tập đoàn hoàng gia lớn nhất châu Âu thời đó. Theo quy tắc của vua Louis, gót giày càng cao và màu sắc càng đỏ thì người đi giày càng mạnh mẽ. Chiếc gót giày màu đỏ mang tính biểu tượng: nó cho thấy rằng người mang giày đủ giàu để giữ đôi giày của anh ta bị khỏi đất bẩn, và anh ta đủ sức mạnh để nghiền nát kẻ thù dưới bàn chân mình. Năm 1670, Louis thông qua một sắc lệnh quy định rằng chỉ giới quý tộc mới được phép đi giày cao gót. Nhà vua cũng chỉ cho phép những người được sủng ái đi giày cao gót màu đỏ. Bạn có thể biết ai là người được vua Louis thích hay ghét trong các bức tranh vẽ lại triều đình Pháp bằng cách nhìn vào màu sắc của gót giày mà họ đang đi.

4. Thất sủng

Tuy rất được ưa chuộng trong suốt thế kỷ XVII, nhưng giày cao gót nhanh chóng mất đi sự phổ biến trong nam giới chỉ một thế kỷ ngày sau đó. Vào đầu thế kỷ XVIII, giày dép ngày càng mang các khác biệt về giới tính rõ ràng: giày của phụ nữ trở nên hẹp hơn, trang trí cầu kỳ hơn và phần gót cao hơn, trong khi giày của nam giới trở nên rộng hơn và chắc chắn hơn. Do đó, cánh đàn ông châu Âu ngừng đi giày cao gót vào khoảng những năm 1730, vì giày cao gót càng ngày càng được gắn với hình ảnh nữ giới. Đến cuối thế kỷ XVIII, giày của nam giới đã trở nên khác biệt hoàn toàn, với gót thấp chỉ khoảng 1cm, đế bằng, và mũi giày rộng. “Giày tây” ra đời trong khoảng thời gian này.

Giày cao gót của nữ vào thế kỷ XVIII

5. Giày cao gót hiện đại

Mặc dù không còn được nam giới sử dụng hàng ngày, nhưng giày cao gót vẫn có những biến thể dành riêng cho nam giới. Giày cao bồi là một biến thể dành cho các chàng trai cưỡi ngựa chăn gia súc, áp dụng thiết kế gót cao của kỵ sĩ Ba Tư cổ đại để tạo bàn đạp vững chắc hơn khi họ thường xuyên phải đứng dậy trên lưng ngựa để kiểm soát đàn gia súc.

Giày cao bồi

Giày Cuba là một biến thể khác của giày cao gót. Gót giày Cuba cao khoảng 2-4cm, có cạnh vuông vức gắn liền vào đế giày. Loại giày này có xuất xứ từ châu Mỹ La-tinh, thường được các vũ công đeo khi biểu diễn các điệu nhảy truyền thống như flamenco hay tango. Tuy nhiên giày Cuba cũng rất phổ biến trong giới nghệ sĩ, và thường được sử dụng kết hợp cùng các loại trang phục mang phong cách lãng tử, bụi bặm.

Một số nhân vật nổi tiếng đi giày Cuba

Vài năm trở lại đây, trào lưu nhảy với giày cao gót trở nên phổ biến trong nam giới. Nhiều nghệ sĩ nổi danh nhờ môn nghệ thuật mới lạ này, chẳng hạn như nhóm nhảy Kazaky đến từ Ukraina, từng được Madonna mời biểu diễn cùng trong video ca nhạc Girl Gone Wild. Hay như bộ ba Yanis Marshall, Arnaud, và Mehdi đến từ Pháp đã lọt vào tới tận chung kết cuộc thi Britain’s Got Talents năm 2014

Nhóm nhảy Kazaky

Bạn thấy đấy, giày cao gót không phải chỉ dành riêng cho nữ giới, mà ngay cả các chàng trai cao to cơ bắp cũng có thể sử dụng để phô diễn những nét đẹp trên cơ thể của họ. Vậy thì bạn còn chần chờ gì nữa, hãy tham gia ngay Thử Thách Đổi Giày của Nhà Nhiều Cột.

Thử Thách Đổi Giày là một chiến dịch với nỗ lực lan tỏa thông điệp thấu hiểu, chung tay tháo gỡ định kiến giới. Mỗi bức ảnh hợp lệ, bạn đã đóng góp 01 đầu sách cho “Tủ sách giáo dục giới tính” gửi tới các em nhỏ ít có điều kiện tiếp cận ở miền Trung qua hoạt động cứu trợ của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam.

Thông tin thêm về Thử Thách Đổi Giày, các bạn có thể xem tại đường link sau:

https://facebook.com/NhaNhieuCot/posts/174993854367142