Từ sau năm 1945, mối quan hệ giữa Mỹ và liên Xô dần trở thành một cuộc chạy đua vũ trang với đỉnh điểm là việc mỗi quốc gia đều sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của riêng mình. Mỹ, đại diện cho thế giới tư bản, luôn tìm mọi cách để ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa xã hội, vì họ lo sợ quan điểm chính trị mới này sẽ phá hủy nền tảng kinh tế mà họ đã xây dựng suốt hàng trăm năm. Và cái gai nhức nhối nhất đối với Mỹ chính là Cuba, người hàng xóm ở ngay sát sân sau đang được lãnh đạo bởi Fidel Castro, một người theo chủ nghĩa cộng sản.
Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh, Mỹ không ngừng tìm cách tiêu diệt đất nước nhỏ bé vùng Trung Mỹ này, từ việc đặt các lệnh cấm vận kinh tế vô lý, tới việc tài trợ cho các lực lượng chống đối để lật đổ chính quyền Castro, nhưng chưa có kế hoạch nào thành công. Năm 1961, cơ quan tình báo trung ương CIA của Mỹ đã đào tạo những người Cuba lưu vong để thực hiện một cuộc xâm lược hòng chiếm chính quyền. Được gọi là Sự kiện Vịnh Con Lợn, cuộc xâm lược này đã thất bại thảm hại khi hầu hết lực lượng tham chiến do Mỹ hậu thuẫn đã bị bắt hoặc tiêu diệt. Tuy nhiên, Fidel Castro biết rằng Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc tấn công trong tương lai, và ông đã cầu viện đến sự hỗ trợ của Liên Xô. Và người anh cả của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã đáp lời.
Năm 1962, Cuba và Liên Xô bí mật cho xây dựng các căn cứ quân sự để lắp đặt tên lửa hạt nhân trên các đảo của Cuba. Mọi kế hoạch đều được giữ kín để đề phòng Mỹ can thiệp. Tình báo Mỹ cũng đã kịp nghe ngóng một số thông tin và tiến hành do thám các khu vực quanh Cuba bằng máy bay, tuy nhiên không phát hiện ra điều gì đáng chú ý ngoài một số công trình xây dựng dang dở. Cho đến khi một chuyên viên tư vấn của CIA phát hiện ra một chi tiết quan trọng.
Tháng 9 năm 1962, khi căng thẳng giữa Mỹ, Cuba và Liên Xô lên đến đỉnh điểm, máy bay do thám của Mỹ chụp được một vài bức ảnh cho thấy nhiều căn cứ quân sự đang được xây dựng trên các đảo của Cuba, trong số đó, có một sân bóng đá. Vị chuyên viên tư vấn liền lập tức báo cáo với cấp trên về sự có mặt của lực lượng quân sự của Liên Xô ở Cuba, vì theo ông này, “Dân Cuba chơi bóng chày. Dân Nga mới chơi bóng đá.” Các chuyến bay do thám sau đó đã xác nhận các căn cứ quân sự này được xây dựng để lắp đặt hệ thống tên lửa hạt nhân tầm trung của Liên Xô.
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là John F. Kennedy lo lắng rằng nếu Liên Xô lắp đặt thành công hệ thống tên lửa ở Cuba, thì 30 triệu người dân Mỹ sẽ nằm gọn trong tầm bắn. Kennedy cũng không muốn tấn công Cuba, vì lúc này Cuba đã có sự ủng hộ của Liên Xô, một cuộc chiến giữa Mỹ và Cuba sẽ kéo theo Liên Xô vào cuộc, và chiến tranh hạt nhân sẽ nổ ra. Chính quyền Mỹ bèn đặt ra một lệnh cấm vận hoàn toàn đối với các vùng biển xung quanh Cuba và tiến hành đàm phán với Liên Xô nhằm giải quyết tình hình.
Tháng 10 năm 1962, Liên Xô cử 25 tàu chiến chở theo tên lửa lên đường đến Cuba. Thông tin về việc Cuba sắp sửa có vũ khí hạt nhân lan rộng trên các phương tiện truyền thông của Mỹ, trở thành một sự kiện nóng hổi trên khắp các mặt báo với tên gọi Khủng hoảng tên lửa Cuba. Người dân Mỹ lo ngại về một cuộc chiến toàn diện sắp xảy ra. Rơi vào thế bí, chính quyền của tổng thống Kennedy đành phải thỏa thuận với Liên Xô về việc sẽ không xâm lược Cuba trong tương lai, cũng như sẽ phá hủy hệ thống tên lửa hạt nhân mà Mỹ đã lắp đặt từ trước tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng yêu cầu phía Liên Xô giữ bí mật vì lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối.
Vào phút chót, tàu chiến của Nga được lệnh quay về. Một tháng sau đó, các căn cứ của Nga tại Cuba bị phá hủy. Hệ thống tên lửa của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng được tháo dỡ một cách kín đáo. Cuba chính thức thoát khỏi mối nguy trực tiếp, trở thành một nước cộng sản đường đường chính chính. Liên Xô được tiếng là đã giúp đỡ thành công một đồng minh ở tận Trung Mỹ xa xôi, đồng thời giải tỏa được một mối lo tiềm tàng từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Còn tổng thống Kennedy được người dân Mỹ tôn vinh như một người hùng, đã chiến đấu và chiến thắng phe cộng sản, giúp nước Mỹ thoát được một cuộc chiến tàn khốc.
Theo CNN. Và chiến tranh thế giới thứ 3 đã không diễn ra, cho tới hơn 20 năm sau.