Gánh nặng tránh thai từ trước đến nay vẫn thường được đặt lên vai của người phụ nữ. Nữ giới có hàng chục phương pháp tránh thai khác nhau như thuốc uống hàng ngày, thuốc đặt, miếng dán, vòng tránh thai,… Còn cánh đàn ông từ cổ chí kim chỉ có hai cách, hoặc là dùng bao cao su, hoặc là thắt ống dẫn tinh. Có lẽ vì thế mà thuốc tránh thai cho nam giới là kho báu mà bất cứ người đàn ông nào cũng mơ ước trở thành hiện thực để có thể chia sẻ trách nhiệm với đối tác hoặc bạn đời của mình. Điều đáng buồn là sau hơn 50 năm nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được một loại thuốc nào vừa hiệu quả lại vừa an toàn cho phái mạnh.
Nguyên nhân gây khó dễ cho việc nghiên cứu chính là sự khác biệt về cơ chế sinh sản của hai giới. Đối với phụ nữ, quá trình tạo trứng là một chu kỳ đều đặn và được điều tiết chặt chẽ bởi nồng độ hormone estrogen. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể đạt một ngưỡng nhất định, cơ thể sẽ ngừng sản xuất trứng. Thuốc tránh thai của nữ giới lợi dụng cơ chế này của cơ thể, nạp một lượng estrogen bổ sung vừa đủ để ngăn chặn hoàn toàn khả năng có thai mà ít gây tác dụng phụ nhất. Tuy nhiên, quá trình sản sinh tinh trùng ở nam giới lại ngược lại hoàn toàn: nó là một quá trình xảy ra liên tục, và được điều tiết bởi hormone testosterone. Khi nồng độ testosterone xuống thấp đến mức nhất định, tinh hoàn sẽ ngừng quá trình sinh tinh.
Đọc đến đây thì có thể bạn sẽ nghĩ rằng: “Vậy thì đơn giản rồi, chỉ cần điều chế một loại thuốc nào đó làm giảm nồng độ testosterone là được!” Nhưng nếu mọi chuyện dễ dàng như thế thì các nhà khoa học đã không mất tới hơn nửa thế kỷ mà chưa tìm ra đáp án. Testosterone không chỉ điều tiết quá trình sinh tinh ở nam giới, mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều hoạt động khác của cơ thể. Hormone này ảnh hưởng tới toàn bộ cấu trúc cơ thể như xương và cơ, việc mọc râu ria và lông trên cơ thể, cũng như góp phần vào việc duy trì hoạt động thường ngày. Nếu bị thiếu hụt testosterone, cơ thể có thể bị một số triệu chứng như yếu ớt, loãng xương, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, tim mạch,… Ngoài ra, một ảnh hưởng mà cánh đàn ông sợ nhất khi thiếu hụt testosterone chính là hiện tượng yếu sinh lý hoặc giảm ham muốn tình dục. Vậy nên việc dùng thuốc để làm giảm nồng độ testosterone chắc chắn không phải là giải pháp hữu dụng.
Nhiều thí nghiệm từ cuối những năm 1970 đã được thực hiện với việc sử dụng testosterone nhân tạo để thay thế testosterone tự nhiên, kết hợp với việc sử dụng kèm một hormone sinh dục nữ là progestin để ức chế quá trình sinh tinh. Thí nghiệm này cho thấy hiệu quả làm giảm tinh trùng một cách đáng kể. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng testosterone nhân tạo thì tỉ lệ giảm tinh trùng không đảm bảo để có thể tránh thai, còn nếu sử dụng kèm thêm progestin thì lại gây ra nhiều tác dụng phụ, như đau nhức và rối loạn cảm xúc, thậm chí dẫn tới trầm cảm.
Một nghiên cứu tương tự gần đây đã mang lại kết quả khả quan hơn, khi các nhà khoa học thử nghiệm việc sử dụng một hỗn hợp hormone sinh dục nữ cùng với một hormone sinh dục nam nhân tạo gọi là testosterone undecanoate. Phương pháp này cho thấy hiệu quả tránh thai rất cao, chỉ có 4% đối tượng thử nghiệm có thai ngoài ý muốn (tức hiệu quả 96%), nhưng nghiên cứu này đã bị ngừng lại do những người tham gia gặp một số tác dụng phụ, tuy không nghiêm trọng nhưng đã dẫn tới việc một đối tượng tham gia có ý định tự tử.
Nhiều hướng nghiên cứu khác cũng đang đồng thời được thực hiện bởi các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có biện pháp sử dụng gel bôi ngoài da để tránh thai. Người sử dụng sẽ bôi gel này lên lưng và vai để hormone được hấp thụ qua da vào cơ thể. Loại gel này sử dụng một loại hormone ức chế việc sản sinh testosterone của tinh hoàn, khiến cơ thể gần như ngừng việc sản xuất tinh trùng, đồng thời bổ sung testosterone nhân tạo để duy trì các hoạt động của cơ thể và ham muốn tình dục. Thử nghiệm loại gel này trên 100 tình nguyện viên cho thấy sản phẩm này đủ an toàn để tiếp tục giai đoạn tiếp theo trên diện rộng.
Mặc dù đang có các dấu hiệu tích cực, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng để có thể sản xuất số lượng lớn và công bố ra thị trường các loại thuốc tránh thai cho nam giới, chúng ta sẽ phải đợi thêm ít nhât là 10 năm nữa để hoàn thiện các quy trình về thử nghiệm an toàn, cũng như tìm kiếm nguồn tài trợ cho các nghiên cứu tiếp theo. Việc các sản phẩm này có sớm tới tay người tiêu dùng hay không cũng phụ thuộc vào sự hứng thú của các công ty dược phẩm, đáng tiếc là hiện nay không có nhiều công ty tỏ ý muốn tìm hiểu thị trường cho dòng sản phẩm này.
⁂
Nhân việc nói về việc tránh thai cho nam giới, bạn có biết rằng tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên ở Việt Nam là 46/1000, nghĩa là cứ 1000 phụ nữ sinh con thì có tới 46 người là trẻ em gái từ 15 đến dưới 19 tuổi; hàng năm, ở Việt Nam vẫn có 250-300 nghìn ca phá thai; tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên là 1,5% trên tổng số ca phá thai (xấp xỉ 3800-4500 ca)?
Để bảo vệ trẻ em Việt Nam khỏi các nguy cơ do quan hệ tình dục không an toàn gây ra, điều quan trọng nhất là chúng ta phải nâng cao hiểu biết của các em và của những người xung quanh về giới tính và tình dục an toàn. Dự án Thử Thách Đổi Giày của Nhà Nhiều Cột là một dự án như vậy.
Thử Thách Đổi Giày là một chiến dịch với nỗ lực lan tỏa thông điệp thấu hiểu, chung tay tháo gỡ định kiến giới. Mỗi bức ảnh hợp lệ, bạn đã đóng góp 01 đầu sách cho “Tủ sách giáo dục giới tính” gửi tới các em nhỏ ít có điều kiện tiếp cận ở miền Trung qua hoạt động cứu trợ của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam.
Thông tin thêm về Thử Thách Đổi Giày, các bạn có thể xem tại đường link sau: