Đây là đảo Gà Lôi (Pheasant Island) nằm trên dòng sông Bidasoa giữa hai nước Pháp và Tây Ban Nha.
Hòn đảo này chẳng có gì: không có người ở, không có nhà cửa, diện tích còn chưa tới 7000m2. Thậm chí chẳng có con gà lôi nào sống trên hòn đảo này cả. Điểm đặc biệt duy nhất của hòn đảo này đó là trong hơn 360 năm qua, mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8, hòn đảo này liên tục đổi quốc tịch từ Pháp sang Tây Ban Nha và ngược lại.
Năm 1635, Tây Ban Nha và Pháp bước vào cuộc chiến tranh kéo dài hơn 24 năm giữa hai thế lực hoàng gia Bourbon và Habsburg. Habsburg là một gia tộc cực kỳ quyền thế ở Châu Âu, nắm trong tay nhiều quốc gia, trong đó có Đế chế La Mã. Ngược lại, gia tộc Bourbon tuy yếu thế nhưng lại được cai quản bởi một vị quân vương vĩ đại là vua Louis XIV. Sau một thời gian dài giao tranh ác liệt, với sự tham gia của nhiều liên minh quân sự, cuộc chiến rơi vào thế bế tắc vì cả hai phe đều không thể giành được chiến thắng nào quan trọng. Tới giữa năm 1659, vì đã cạn kiệt về tài chính và quân đội, Pháp và Tây Ban Nha quyết định đàm phán giảng hòa.
Đảo Gà Lôi được lựa chọn trở thành vùng trung lập giữa hai vương quốc, và đại diện của hai bên tổ chức tổng cộng 24 cuộc đàm phán trên hòn đảo này. Hiệp định Pyrenees được ký kết vào ngày 07/11/1659, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh. Trong hiệp ước ghi rõ, đảo Gà Lôi sẽ trở thành lãnh thổ chung của của hai nước, trong đó Pháp sẽ cai quản hòn đảo từ ngày 01/02 đến ngày 31/07, và Tây Ban Nha sẽ tiếp quản từ ngày 01/08 đến ngày 31/01.
Vậy là trong suốt hơn 360 năm, đảo Gà Lôi được chuyển qua chuyển lại giữa hai lãnh thổ. Vì tính chất đặc biệt của nó, thường dân không được phép đặt chân lên đảo. Hàng năm, nhân viên môi trường của mỗi bên được lên hòn đảo này chỉ một lần để dọn dẹp và cắt tỉa cây cối. Hải quân của quốc gia đang cai quản hòn đảo sẽ đi tuần mỗi 5 ngày để đảm bảo rằng không có người vi phạm quy định cấm. Trước kia, mỗi khi quyền cai quản được chuyển giao từ nước này sang nước khác, người ta sẽ tổ chức một buổi lễ kỷ niệm và mở cửa hòn đảo để mọi người tham quan, nhưng do căng thẳng gần đây giữa người dân xứ Basque tự trị và chính quyền trung ương Tây Ban Nha, nên trong nhiều năm buổi lễ này không còn được tổ chức.
Đảo Gà Lôi đang dần biến mất do nước từ băng tan chảy trên núi Pyrenees đổ xuống làm cho hòn đảo bị xói mòn trầm trọng, nhưng cả Pháp lẫn Tây Ban Nha đều không muốn bỏ tiền trùng tu. Hiện tại hòn đảo chỉ còn rộng chưa tới 40m và dài khoảng 200m, bằng một nửa so với diện tích đo đạc được vào đầu thế kỷ XX.